Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học - Euréka là giải thưởng cao quý dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao công nghệ trong các trường đại học. Chương trình do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Để đến với giải thưởng, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên phải trải qua những vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá, thông qua và giới thiệu đăng ký tham gia vòng bán kết giải thưởng tại TP.HCM. Nhờ sự quan tâm và đầu tư đặc biệt đó mà giải thưởng ngày càng được nâng cao cả về quy mô lẫn chất lượng. Năm 2020, giải thưởng đã thu hút 114 trường đại học, cao đẳng, học viện đến từ 29 tỉnh, thành trong nước với 1.011 đề tài của 2.734 thí sinh tham gia. Các đề tài tham gia Giải thưởng cũng đã tiếp cận ở nhiều góc độ nghiên cứu mới, trong đó có rất nhiều đề tài mang tính thời sự được Hồi đồng đánh giá cao, và có khả năng chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn.
BTC trao giải Khuyến khích cho các lĩnh vực
Vòng Chung kết Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 22 năm 2020 với sự tranh tài của các tác giả, nhóm tác giả của 175 đề tài thuộc 14 tiểu ban chuyên môn, đến từ 91 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc, được diễn ra và lúc 7g30, ngày 27/11/2020 tại Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM.
Qua vòng bán kết với 84 đề tài thuộc lĩnh vực Giáo dục trên cả nước, BTC đã chọn ra 14 trên 84 đề tài tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết diễn ra từ ngày 25-28/11 tại Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Trường Đại học Giáo dục – Đại học quốc gia Hà Nội đã có 1 đề tài vinh dự được chọn vào vòng chung kết là đề tài: “Kết nối tri thức Hóa học với đời sống thông qua E-book sử dụng trên các thiết bị thông minh trong hoạt động tự học” của sinh viên Nguyễn Tùng Lâm – Sinh viên QH-2016-S Hóa học do TS. Vũ Minh Trang, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội hướng dẫn. Đề tài hướng đến thiết kế một sản phẩm công nghệ có thể ứng dụng trong hoạt động dạy và học đặc biệt là nhằm phát triển năng lực tự học và năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn của HS hiện nay, đáp ứng được mục tiêu của Chương trình phổ thông tổng thể năm 2018. Đề tài đã được đánh giá cao bởi hội đồng khoa học uy tín và đã mang về 1 giải Khuyến khích tại cuộc thi cấp quốc gia này.
Nguyễn Tùng Lâm cho biết, E-book là một công cụ hỗ trợ học tập toàn diện với môi trường đa phương tiện như: video, âm thanh, hình ảnh… và được sử dụng dễ dàng trên các thiết bị thông minh. Vì vậy, em đã có ý tưởng thiết kế E-book để ứng dựng trong giảng dạy và học tập ngành học của mình. Rất may mắn, em đã nhận được sự hướng dẫn và dìu dắt của giảng viên TS. Vũ Minh Trang. Nghiên cứu này trình bày cơ sở lí luận về dạy học tích hợp, năng lực tự học, nguyên tắc và quy trình thiết kế E-book sử dụng trên các thiết bị thông minh ứng dụng trong giảng dạy và học tập môn Hóa học. Từ đó đề xuất kĩ thuật sử dụng Kotobee Authour để thiết kế E-book đồng thời đưa ra chỉ dẫn cho giáo viên và học sinh sử dụng E-book kết nối tri thức môn Hóa học với đời sống chương “Đại cương về kim loại” (Hóa học 12) được thiết kế mẫu bằng Kotobee Author sử dụng trong hoạt động tự học của học sinh.
Tùng Lâm hy vọng, ngoài những kết quả nghiên cứu đạt được em cũng mong muốn có thể thiết kế E-book với nhiều môn học khác, tạo nên một hệ thống E-book kết nối tri thức phổ thông đa môn, góp phần phát triển năng lực cho học sinh đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề và định hướng nghề nghiệp ngay trong quá trình tìm kiếm và tiếp thu kiến thức của học sinh.
UED Media